Chứng ngộ nghĩa là không bao giờ ô nhiểm bởi sanh tử, cho dù bạn sống trong thế giới thành hoại. Biết rằng bạn không từ bỏ từ cõi này để đến cõi khác. Biết rằng chứng ngộ hiện hữu ở giữa nhiễm ô, thay vì bạn phải vứt bỏ những nhiễm ô để đạt đến một trạng thái chứng ngộ riêng biệt. Chứng ngộ là biết rằng không có cái ngã tuyệt đối hiện hữu tách rời khỏi cái ngã có nhiều nhiễm ô, ảo tưởng, và lo âu ngay hiện giờ. Biết rằng nghĩ, nghe và những vọng tưởng đều khởi lên từ nhất tâm. Tất cả điều này là chứng ngộ.
Nếu bạn chỉ quan tâm đến Không và không để ý đến thế giới vật chất, hay nếu bạn không để ý đến những hoàn cảnh hiện tại của mình, nói rằng " Mọi vật là thường", hay " Không có ngã", thì đây không phải là trung Đạo. Nếu bạn chỉ thấy một bên, không có bên kia thì bạn đã chệch hướng khỏi trung đạo, mà không có nó thì không có chứng ngộ.
Để hiểu thấu mình và đạt ngộ, bạn phải chết ba lần.
Sau khi chết lần thứ nhất, bạn tìm ra chính mình.
Sau khi chết lần thứ hai, bạn biết rằng mọi vật không hai..
Và sau khi chết lần thứ ba, bạn có thể biểu hiện bất nhị.Đó là nói bạn phải vượt qua ba bậc, mà không phải là những bậc cố định.: đưa mọi vật và những chướng ngại về bản thể của bạn. Nếu bạn duy trì điều này, cuối cùng bạn sẽ khám phá ra bản tánh của mình. Rồi thì một khi bạn khám phá ra chân ngã, bạn phải buông xả ngay cả điều này với tâm vô tâm. Nếu bạn duy trì điều này, bạn sẽ thực sự ngộ ra rằng bạn không tách biệt với mọi hiện hữu.
Sau cùng, nếu bạn giữ sự buông xả này, ngay cả tâm vô tâm cũng sẽ tan biến, và trạng thái chân không sẽ đến. Tại điểm này, bạn có thể biểu hiện bất nhị. Dù những bậc khác nhau, bên trong hãy nhìn mọi vật như chính bạn - không bao giờ như vật riêng biệt - và buông luôn điều này rồi tiến tới.
Nếu bạn là một hành giả với niềm tin kiên định, không có những thứ bậc trong tu tập, vì chân lý, trong sự trọn vẹn, hoạt động bình đẳng tại mỗi nơi và mỗi lúc; được sử dụng cho mỗi chúng ta, tại mỗi khoảnh khắc như thế. Theo đúng nghĩa thì không có những thứ bậc, nhưng từ quan điểm khác, những thứ bậc tồn tại rõ ràng. Bạn phải trải qua chúng và tiến tới không lười mỏi.
Thiền Sư Ni Daehaeng
Trích: Không có sông nào để vượt qua.
Hạnh Huệ dịch.