Chân lý từ tánh biết sẳn có nơi mỗi người



...Tuệ thấy Danh Sắc chính là biểu hiện khởi đầu của tánh biết vô ngã này. Buông cái biết hữu ngã hữu hạn trở về với tánh biết vô ngã vô hạn thì tâm thiền mới có thể thật sự bước vào Tuệ Minh Sát (Vipassanà-ñana). Mười sáu tuệ minh sát đều được tánh biết vô ngã khai mở, thể nghiệm và thực chứng một cách sáng tạo chứ không phải nhờ nỗ lực của cái ta ảo tưởng thấy biết chủ quan.




Melbourne, ngày 10 – 07 - 2012

Kính thưa Thầy,

Từ khi tập biết với tánh biết như thầy đã dạy, con cảm nhận một thế giới thâm trầm thênh thang nơi tâm là không gian và thời gian vô tận dẫu con đang sống bình thường và ít bị đồng hóa với những ảo ảnh giữa cuộc đời. Khi tương giao với mọi người con chỉ nghe và mỉm cười không còn thích thú phan duyên tìm kiếm hay mở rộng ra bên ngoài, mà chỉ thấy biết an trú trầm lặng giữa dòng pháp luân chuyển vô tận. Con không còn bị gượng gạo trong sự giải thoát của định tưởng nữa mặc dầu thỉnh thoảng định vẫn âm thầm chi phối bởi thói quen trú định trước đây làm con thụ động không nhạy bén với thực tại chỉ trong chốc lát, sự biết tự động như nó đang diễn biến mặc nhiên, chỉ biết thôi nên con trở về với thực tại rất nhanh.
Con cảm nhận rằng khi thấy biết tự nhiên trong mọi lúc thì mới hiểu tại sao trên thế giới nhiều người còn tối tăm tham đắm, bởi vì họ bị ảo tưởng trong tâm lừa gạt. Từ sự biết thân tâm cảnh vô ngã, bản chất sinh diệt do nhân duyên vô thường nên con thương yêu và thông cảm nhiều hơn là độc tài phán xét. Bởi trước đây con định nhiều, tâm chỉ muốn yên nên từ những chuyện nhỏ nhặt không hài lòng cũng bực bội vô lý, biết là vô lý mà không biết phải làm sao vì không có trí tuệ nên bị nó hành hạ, đến khi gặp được những lời dạy dỗ của Thầy con mới thầy ra mình đã dính mắc trong định. Giờ đây con đã chiêm nghiệm và thấu hiểu tánh biết trở lại với thân tâm, biết lắng nghe và quan sát sự tương giao thân-tâm-cảnh, tuy chưa sâu sắc, nhưng từ cái biết đơn giản mà vi diệu này con đã nhận ra bất cứ điều gì đi ngược lại sự vận hành tự nhiên của pháp thì nó sẽ trôi lăn trong trầm luân tăm tối.
Khi tâm tương giao với vạn pháp như dòng luân lưu trôi chảy nơi ý thức hoặc trong vô thức thì đó cũng là sự sinh diệt tự nhiên vô thường vô ngã, mà chỉ biết thôi, không có việc gì cần tạo tác, giải quyết hay can thiệp ngoài biết pháp như nó là, có phải không thưa Thầy?
Con biết Thầy từ bi vô lượng vô biên, Thầy chỉ khai thị rồi để cho chúng con tự chiêm nghiệm mà thấy ra chân lý từ tánh biết sẵn có nơi mỗi người, ở bất kỳ nơi đâu và lúc nào, vượt qua không gian và thời gian. Đơn giản là tâm an nhiên trong sáng, dầu vô thức hay hữu thức thì tánh biết vẫn thấy pháp và chỉ thấy pháp như nó là thôi, có phải không ạ? Con viết thư này trình bày cái thấy mà con đang thể nghiệm để mong Thầy dạy dỗ thêm cho con!

Kính Thầy.

Con Thuần Nhiên

                         


Thuần Nhiên con,

Trước hết thầy rất hoan hỷ thấy con đã nhận ra được sự vướng mắc trong định do tưởng sinh mà trước đây không lâu con vẫn còn lầm là chánh định. Mặc dù bây giờ thỉnh thoảng định tưởng ấy vẫn còn gây chút ít chướng ngại cho trí tuệ soi chiếu, nhưng quan trọng là con đã thấy được sự dính mắc của nó nên không còn chìm đắm trong trạng thái trầm mặc nữa. Phật dạy định nhiều thì sinh trầm trệ thụ động (trầm mặc) mà Thiền Tông cũng gọi đó là trệ tịch. Định được đức Phật đề cập trong Kinh Dasuttara Sutta (Kinh Thập Thượng), Dìgha Nikàya (Trường Bộ Kinh 2): “Định này là tịch tịnh, vi diệu, đạt tĩnh lặng, chứng nhất tánh, không điều kiện, không đối kháng, không trở ngại” (Ayam samādhi: santo, panīto, patipassaddha laddho, ekodibhāvādhigato, na ca sasankhāra-niggayha-vāritavato’ti) mới thật sự là chánh định trong Phật Giáo mà thầy đã nói rõ trong cuốn Sống Trong Thực Tại.
Thứ hai là con đã phân biệt được cái biết hữu ngã với tánh biết vô ngã. Khi thấy biết của sáu thức bị cái ta ảo tưởng chiếm hữu và chấp lầm là “ ta” hoặc “của ta” thì nó hình thành kiến thức và kinh nghiệm hữu ngã, nhưng khi thấy biết của sáu thức là hoạt dụng biểu hiện tánh biết thì tri kiến ấy là vô ngã. Phân biệt này rất quan trọng vì nó dẫn đến tuệ thấy rõ chỉ có thực tánh Danh Sắc đơn thuần và vô ngã. Khi thấy biết vẫn còn bị giới hạn trong cái biết hữu ngã thì không thể thấy được thực tánh Danh Sắc; nhưng khi thấy biết vượt khỏi cái biết giới hạn hữu ngã thì nó trở về với chức năng hoạt dụng của tánh biết vô ngã. Như vậy, tuệ thấy Danh Sắc chính là biểu hiện khởi đầu của tánh biết vô ngã này. Buông cái biết hữu ngã hữu hạn trở về với tánh biết vô ngã vô hạn thì tâm thiền mới có thể thật sự bước vào Tuệ Minh Sát (Vipassanà-ñana). Mười sáu tuệ minh sát đều được tánh biết vô ngã khai mở, thể nghiệm và thực chứng một cách sáng tạo chứ không phải nhờ nỗ lực của cái ta ảo tưởng thấy biết chủ quan.
Như vậy, con đã đúng khi nói “Đơn giản là tâm an nhiên trong sáng, dầu vô thức hay hữu thức thì tánh biết vẫn thấy pháp và chỉ thấy pháp như nó là thôi”, vì lúc đó không có sự hiện diện của cái ta ảo tưởng. Với nhận thức như vậy con rất dễ thấy ra một số phương pháp thiền vẫn còn bị vướng kẹt trong nỗ lực tạo tác để “trở thành” hoàn toàn hữu vi hữu ngã. Tuy nhiên, căn cơ của họ như vậy thì pháp hành tất nhiên là như vậy nên vẫn là đúng vớ
i họ, do đó chúng ta nên thông cảm với tâm an nhiên trong sáng để thấy pháp như nó là, vì mỗi mỗi chúng sanh đều đang học bài học đúng với trình độ nhận thức của họ.
Chúc con luôn an nhiên tự tại trong pháp.

Thầy Viên Minh

Thư Thầy trò (37)
Tác giả: Viên Minh - Thuần Nhiên

Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông