Chỉ tại cái ta ảo tưởng quá ồn ào với những ý đồ chọn lựa lấy bỏ của nó, mà con không nghe thấy bài học vi diệu đó thôi. Chính vì con cứ mãi so đo tính toán mà đánh mất biết bao cơ hội tuyệt vời mà pháp dành cho con trong từng sát-na đời sống quý giá này!
Hãy lắng nghe bước chân
Bước chân qua thời gian
Thời gian vô sở trụ
Chân bước hề thênh thang!
Kính bạch Thầy,
Con vô cùng xúc động khi nghe Thầy nói: "Cách của ngài Lâm Tế như một người cha, cách của Thầy như một người mẹ...". Mỗi thời kỳ, mỗi nhân duyên thì sẽ có mỗi cách thức khác nhau phải không Thầy?
Bản thân con trước đây học Đạo trên sách vở lý thuyết là chính. Đã có lúc con ngỡ mình nắm được chân lý trong tay. Đọc sách của các bậc thầy lớn như Lão, Trang, Osho, Krishnamurti, Eckhart Tolle, sách của Thầy... hay kinh sách của các Tôn giáo, con thấy dễ dàng nắm bắt Chân lý mà các Ngài diễn đạt bằng rất nhiều cách thức khác nhau, đôi khi con còn "cả gan" nhìn thấy chỗ "chưa ổn" của một vài vị.
Nhưng khi đối diện với cuộc sống thực vốn rất khó khăn của mình, thì những "phần con" trong con nó "trổi dậy" y nguyên. Con trở nên trần trụi với cuộc đời và trần trụi với chính mình. Những hiểu biết cao siêu đôi lúc trở thành đồ trang trí giả tạo đến trơ trẽn (đây là cảm nhận của con về bản thân mình ạ), trong con chỉ có những dục vọng sinh khởi triền miên dẫn đến những hành động sai lầm nối tiếp nhau. Dù con vẫn ý thức được. "Chìa Khóa" mà Thầy hay chỉ dạy chúng con: "Buông là chỉ có BUÔNG thôi, chứ không có NGƯỜI buông", con hiểu nhưng để thực hiện thì với con sao mà khó quá!
Con thấy khi Nhận Thức đi trước, lập tức nó hình thành một "hệ công thức" một cách tự động, dù đây là công thức theo hướng "giảm thiểu" tối đa. Con rất lúng túng ở điểm này Thầy ạ. Cứ thả lỏng một cách tự nhiên thì rất dễ buông trôi (có thể do tập khí của con quá mạnh), gia thêm chút dụng công ý thức thì con lại thấy sự cứng nhắc mất tự nhiên. Con xin được hỏi Thầy, có khi nào một chút cố gắng (của bản ngã) cũng là cần thiết, vì nó có công dụng đưa tâm đến một trạng thái quân bình nhất định, tuy trạng thái tâm này vẫn còn bị điều kiện. Với nội tâm quân bình đó, vào một "ngày đẹp trời", một chút cố gắng kia sẽ tự nhiên rơi rụng để pháp hiện bày sự chân thực của nó. Liệu điều đó có thể không Thầy? Kính mong Thầy chỉ dạy.
Con thành kính đảnh lễ Thầy. Kính chúc Thầy luôn mạnh khỏe.
Quảng Minh
Ngày 13 – 08 - 2012
Quảng Minh con,
Thực ra đây không phải là "cảm nhận của con về bản thân mình" mà là "bệnh" chung của hầu như mọi người, đặc biệt là giới trí thức, đó là bệnh lý trí. Những người đã giác ngộ nói ra sự thật từ sự thực chứng của họ, nhưng lời nói của họ lại hình thành những khái niệm khác nhau trong mỗi người đọc, người nghe. Vì vậy cho dù có hiểu hết Kinh Điển của các Tôn giáo thì cái hiểu của lý trí cao lắm là nắm được “nghĩa” mà thôi. Thuở đức Phật còn tại thế có nhiều vị có thể giảng nói thông suốt lời Phật dạy, nhưng vẫn bị đức Phật gọi là “tỳ kheo trống rỗng”, bởi vì họ hiểu nghĩa nhưng chưa thấy lý. Nói theo Thiền Tông thì họ mới giải ngộ chứ chưa chứng ngộ.
Giải ngộ là chỉ hiểu được nghĩa, chứng ngộ mới thấy ra lý. Hiểu nghĩa là có kiến thức phong phú về một sự kiện nhờ nắm bắt một số thông tin (khái niệm) gián tiếp về sự kiện ấy. Trong khi thấy lý là có tri kiến trung thực trên chính sự kiện nhờ trực tiếp thấy biết (thực tánh) sự kiện ấy. Ví như một người có kiến thức phong phú về vàng nhưng chưa bao giờ thấy mặt mũi vàng ra làm sao thì gọi là hiểu vàng nhưng chưa thấy vàng thật.
Ngay cả người đã chứng ngộ sự thật - tức thấy lý - nhưng không có quá trình trải nghiệm, chiêm nghiệm, học hỏi để khám phá sự thật thì chỉ mới thấy lý nhưng chưavào sự. Ví như người đã thấy vàng nhưng chưa biết tường tận thể tướng dụng của vàng như thế nào. Người như vậy thiền Tông gọi là có chứng ngộ nhưng chưa triệt ngộ. Triệt ngộ là quá trình vào sự để khám phá học hỏi sự thật cho đến khi viên ngộ tức đã là bậc Vô Học hoàn toàn giác ngộ.
Dù là người đã thấy lý cũng vẫn còn lúng túng khi vào sự huống chi nếu chỉ mớihiểu nghĩa thì làm sao mà không thấy “khó quá” được. Đơn giản là khi mới hiểu nghĩa thì con vẫn còn lý tưởng hóa vấn đề. Con vẫn muốn làm sao được như thế này hay như thế khác, nghĩa là con vẫn còn cho là..., phải là..., sẽ là... Ví dụ như con cho là thả lỏng sẽ tốt hơn thì con liền muốn phải là thả lỏng, và như vậy thả lỏng vẫn là một trạng thái sẽ là mà con mong đạt tới chứ không phải thực tại như nó là. Ngược lại, nếu con cho làdụng công sẽ tốt hơn thì tiếp theo cũng phải là,... sẽ là... dụng công.
Buông là thái độ để yên mọi sự mọi vật như nó đang là và chỉ thấy nó như nó đang là thôi chứ không cho là, phải là, sẽ là gì cả. Nếu là thật sự buông thì tánh biết rỗng lặng trong sáng sẽ thấy pháp một cách hoàn hảo, và tánh biết tự nhiên sẽ tự biết lúc nào nên thả lỏng, lúc nào nên dụng công, mà không cần bản ngã xen vào phân vân tính toán. Cái ta luôn phân thân để đối kháng lẫn nhau, ví dụ như có cái ta bản năng khởi lên thì liền có cái ta lý trí phản kháng lại, như nhà phân tâm học Sigmund Freud đã nói, do đó bản ngã không bao giờ trọn vẹn với thực tại, tức không bao giờ chánh niệm haythân tâm nhất như được.
Nếu khi có một hoạt động của bản năng nhưng không có cái ta ảo tưởng xen vào nhận đó là “tôi” hay “của tôi”, thì cũng không có cái ta lý trí đánh giá “thiện ác”, hay gán nhãn cho nó là “phần con” một cách chủ quan, và ngay đó tánh biết vô ngã tự nhiên sẽ biết rõ hoạt động của bản năng với thái độ nhận thức vô niệm – không có khái niệm hay quan niệm của bản ngã xen vào phê phán, và vô vi – không có hành vi tạo tác của bản ngã xen vào kiểm duyệt.
Như vậy, ngay lúc đó không có cái ta lý trí để phân vân tính toán một cách nhị nguyên đầy nghi hoặc (lưỡng lự, do dự) rằng: “Ta nên thả lỏng hay nên dụng công?”Đây chính là chỗ lúng túng của con khi suy nghĩ: “Có khi nào một chút cố gắng (của bản ngã) cũng là cần thiết, vì nó có công dụng đưa tâm đến một trạng thái quân bình nhất định, tuy trạng thái tâm này vẫn còn bị điều kiện. Với nội tâm quan bình đó, vào một ‘ngày đẹp trời’, một chút cố gắng kia sẽ tự nhiên rơi rụng để pháp hiện bày sự chân thực của nó”.
Con chưa thực sự hiểu đức Phật dạy tinh tấn chánh niệm tỉnh giác trên thân thọ tâm pháp – tức trở về trọn vẹn trong sáng ngay trong thực tại – là gì, bởi vì đây là sựđã vượt qua giai đoạn nghĩa và lý. Ngay nơi thực tại con khởi tâm phân vân tính toán thì gọi là buông lung phóng dật, mà Thiền Tông gọi là “Đầu thượng trước đầu, tuyết thượng gia sương”, và lập tức con rơi vào tình trạng thất niệm – để tâm lang thang bên ngoài thực tại. Khi đã bỏ mất thực tại thì tất nhiên con không còn tỉnh giác để thấy biết thực tại như nó đang là nữa rồi!
Vậy lăng xăng tính toán dù là “giảm thiểu tối đa”, như con nói, thì vẫn là buông lung, thất niệm, bất giác, nghĩa là một “chút cố gắng của bản ngã” như con nghĩ cũng đủ đánh mất thực tại đang là. Cái mà con gọi là “khó quá” chính là ở chỗ này. Một chút cố gắng của bản ngã đã giảm thiểu tối đa thì vẫn chưa là giản dị, vô tâm – không còn ý đồ lăng xăng của cái ta ảo tưởng. Chỗ đơn giản mà tinh tế này thì dù người thông thuộc chữ nghĩa kho tàng minh triết của nhân loại vẫn khó mà vào được, vì họ chỉ nhai lại “cặn bã” của Thánh nhân như người xưa nói, hay vẫn là “trống rỗng” như đức Phật gọi những vị “thuyết thông mà tâm không thông” vậy.
Tại sao đức Phật dạy sống tùy duyên thuận pháp trong Kinh Nhất Dạ Hiền:
“Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây”
.....
“Không động, không rung chuyền
Biết vậy nên tu tập”?
Tại sao Dịch Lý nói: “Dịch: Vô vi giả, vô tư giả, tịch nhiên bất động cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố” (Không tạo tác, không khởi niệm, lặng lẽ an nhiên mà cảm ứng lẽ thật của đạo Dịch trong trời đất)?
Tại sao Lão Tử nói: “Tỏa kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hòa kỳ quang đồng kỳ trần... thị vị Huyền Đồng” (Bớt nhạy bén, bỏ phân chia, hòa ánh sáng, cùng bụi bặm... là Huyền Đồng”)?
Tại sao Thánh Kinh dạy: “Nước Cha trị đến vâng ý Cha”?
Tại sao các Thiền sư lại nói: “Kiến tức mục hạ tiện kiến nghĩ tư tức sai” (Thấy thì trước mắt thấy ngay còn suy nghĩ là sai bét)?
Và tại sao Lâm Tế lại hét đánh?
Con có thực sự thấy ra sự thật qua những lời nói quá giản dị rõ ràng này chưa? Nếu có, tại sao còn phân vân tính toán? Con có biết rắng lúc đó dù con đang là bản năng, tình cảm hay lý trí thì qua đó pháp vẫn đang muốn nói với con những thông tin rất mầu nhiệm và vô cùng lặng lẽ. Chỉ tại cái ta ảo tưởng quá ồn ào với những ý đồ chọn lựa lấy bỏ của nó, mà con không nghe thấy bài học vi diệu đó thôi. Chính vì con cứ mãi so đo tính toán mà đánh mất biết bao cơ hội tuyệt vời mà pháp dành cho con trong từng sát-na đời sống quý giá này!
Hãy lắng nghe bước chân
Bước chân qua thời gian
Thời gian vô sở trụ
Chân bước hề thênh thang!
Chúc con như chính con đang là!
Thầy Viên Minh
Tác giả: Viên Minh - Quảng Minh