Vô thức và ý thức

Theo Phật giáo, thế giới loài người thuộc Dục Giới, vì hầu hết sinh hoạt đời sống của họ dựa trên sự tương giao giữa giác quan và ngoại cảnh. Sự tương giao này là nền móng của cảm giác, tri giác, tư tưởng, kinh nghiệm, kiến thức, và những phản ứng tâm sinh vật lý. Nói chung là bản năng, tình cảm và lý trí mà phần lớn diễn ra trong vô thức nhiều hơn là có ý thức. Do đó những tích lũy, những nội kết này ngày càng đa dạng, phong phú nhưng cũng rất phức tạp trong kho chứa vô thức (bhavaṅga) đã dễ dàng vượt khỏi vòng kiểm soát của ý thức con người.
Phần lớn chúng ta hành động, nói năng, suy nghĩ một cách vô thức. Và lắm khi tưởng chừng như chúng ta hành động có ý thức, chủ động và quyết đoán, nhưng thật ra chúng ta hành động như một con rối đang bị sai khiến bởi những xung động vô thức.
Có thể chúng ta vẫn có ý thức nhưng chỉ là một loại ý thức mơ hồ, nặng tính si mê, phát xuất từ vô minh, thiếu tỉnh giác mà hậu quả là chúng ta đã gây ra nhiều khổ đau phiền muộn cho mình và người. Loại ý thức này thực ra chỉ là mặt nổi rất nhỏ so với mặt chìm rộng lớn của vô thức, cũng giống như phần trên mặt nước của một tảng băng so với phần chìm bên dưới. Hoặc hơn thế nữa ý thức chỉ là một điểm tiếp xúc của tâm trên một đối tượng, giống như điểm chạm của bánh xe khi lăn trên đường. Huống chi ý thức thường là chủ quan, bị giới hạn bởi ý niệm, tư tưởng, kiến thức, quan niệm, thành kiến v.v... che lấp nên khó mà thấy biết trung thực. Chỉ khi nào ý thức được hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng thì mới phát huy được tánh biết vô hạn của tâm.Theo Dịch Lý, lực thúc đẩy của những xung động vô thức gọi là khí. Theo chiều tác động từ trong ra ngoài thì thần sinh ý, ý sinh khí, khí sinh hình. Thần chính là phần thâm sâu uyên áo nhất của tâm, nếu nội tâm không thanh tịnh trong sáng thì ý hay những khuynh hướng tâm lý sẽ tự phát một cách vô thức và tạo ra khí dưới hình thức những lực xung động. Bị thúc đẩy bởi những xung lực này chúng ta sẽ hành động như một robot tuân theo những mệnh lệnh đã được lập trình trong bộ nhớ. Hành động thể hiện ra bên ngoài qua thân, khẩu gọi là hình.Ngược lại, hình ảnh hưởng khí, khí ảnh hưởng ý, ý ảnh hưởng thần. Hành động lăng xăng sẽ làm cho khí dao động, không tập trung được. Khí bất ổn làm cho ý xáo trộn, trạo cử, bất an, phân vân, nghi hoặc… Ý bất an thì nội tâm không thể nào thanh tịnh trong sáng, và một nội tâm đầy tham ái, sân hận, phóng túng, thụ động, dao động, bất an, căng thẳng... như thế làm sao có khả năng định tĩnh hay chuyên chú vào một công việc nào để hoàn thành hữu hiệu?

Viên Minh


(Trích "Sống trong thực tại" chương 8)

Hỏi Đáp:

Thầy Tôn kính!
Bạch Thầy, con có một thắc mắc xin trình lên Thầy mong Thầy từ bi giảng thêm cho con được hiểu rõ hơn ạ.
Thưa Thầy, con có duyên lành nghe được đoạn pháp Thầy giảng rằng: "Sau một ngày với rất nhiều việc, với rất nhiều sự sinh diệt của thân-thọ-tâm-pháp thì giấc ngủ sẽ có nhiệm vụ sắp xếp và cân bằng lại mọi thứ vì lúc đó tánh biết vẫn tiếp tục làm việc và những nhân đã gieo vào tiềm thức vẫn hình thành quả". Vốn kiến thức ít ỏi và sự trải nghiệm của con thì con chưa thông suốt được "tánh biết vẫn làm việc trong giấc ngủ", mong Thầy giảng thêm cho con đựợc hiểu câu này ạ.
Ví như bản thân con, rất hiếm khi con có đựợc giấc ngủ trọn vẹn và bình yên, lúc thì con cứ hay thấy về thế giới vô hình, lúc thì con luôn bị ám ảnh chuyện lúc nhỏ, chuyện gia đình... Con nghĩ do thần kinh con yếu, sức khỏe không tốt nên con mới bị như vậy. Nhưng khi con nghe Thầy giảng đoạn pháp trên, con tự hỏi phải chăng con không có giấc ngủ trọn vẹn như người khác là do cái Ý, cái SUY NGHĨ của con vẫn làm việc liên tục trong cả giấc ngủ mà vô tình che lấp đi cái tánh biết nên con mới bị như vậy? Con mong Thầy khai sáng cho con. Con xin tri ân và kính chúc Thầy thân Tâm luôn an lạc ạ!



Trả lời:


Lúc ngủ thì tâm (tức tánh biết) hoạt động dưới dạng bhavanga - tạm xem như tương đương với tiềm thức trong tâm lý học Phương Tây. Nếu ban ngày tâm là hữu thức thì lúc ngủ tiềm thức hoạt động một cách vô thức, chỉ trừ trong giấc chiêm bao được gọi là "ý thức trong mộng". Ý thức trong mộng tuy có vẻ như hữu thức nhưng cũng là một loại vô thức vì nó chỉ tái tạo lại kịch bản đã thực hiện ban ngày trong hữu thức chứ không hẳn là ý thức. Thực ra mộng cũng là một cách sắp xếp lại những dữ liệu trong vô thức giống như chúng ta xem lại đoạn phim về một buổi lễ đã qua để biết rõ lại những diễn biến mà trong buổi lễ chúng ta chưa theo dõi hết vậy.
Việc sắp xếp của tánh biết trong vô thức có phần giống như việc defragment trong máy tính. Giấc ngủ bình yên thì việc sắp xếp dễ dàng hơn vì ban ngày mọi việc đã thông suốt nhờ chánh niệm tỉnh giác nên khi ngủ khỏi phải sắp xếp nhọc nhằn. Còn ban ngày (có thể là trong quá khứ) không ổn định vì thiếu chánh niệm tỉnh giác thì ban đêm phải "xem lại phim" để tìm cách hóa giải. Giống như thao tác trên máy tính có trật tự thì việc defragment sẽ không mất nhiều thời gian và mệt mỏi. Những dữ liệu được đưa vào tiềm thức dù dưới dạng ổn định hay không ổn địnhđều được sắp xếp lại theo trình tự nhập kho để lưu trữ, nhưng không lưu trữ như kho hàng bất động mà trong kho tiềm thức, dữ liệu được xử lý vô cùng linh động. Tất cả những dữ liệu được gọi là chủng tử này luôn trong quá trình diễn biến từ nhân đến quả như những phản ứng hóa học chứ không phải là những thành phần riêng biệt.