Trong Phật giáo, cái thực chính là Pháp mà tiếng Pāḷi gọi là Dhamma (Sanscrit là Dharma). “Ai thấy Pháp tức là thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy Pháp”. Chúng ta có thể nói một cách khác: “Ai thấy cái thực tức thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy cái thực”. Vậy chúng ta tạm chấp nhận tiền đề: Cái thực là Pháp
.Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý là chữ Pháp trong kinh điển được dùng với nhiều nghĩa khác nhau, tùy theo vai trò và tướng dụng của nó. Chữ pháp trong sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp được dùng với nghĩa là đối tượng của ý. Chữ Pháp trong Phật, Pháp, Tăng có 2 nghĩa, một là lời dạy của Đức Phật hoặc kinh giáo (Tam Tạng), hai là thực tại hiện tiền, chân lý rốt ráo, cái như chơn như thật. Pháp trong vạn pháp để chỉ mọi thứ khác nhau được Duy Thức định nghĩa là: “Nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải” , tức là bất cứ cái gì giữ gìn tánh chất riêng, để từ đó người ta có thể biết, có thể phân biệt được vật này khác với vật kia......“Svākhāto Bhagavatā Dhammo: Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opanayiko, Paccattaṃ Veditabbo viññūhi.”
Nghĩa là: “Pháp đã được khai thị bởi Đức Thế Tôn là thực tại hiện tiền, phi thời gian, hãy hồi đầu là thấy, ngay trên đương xứ, mà mỗi người trí có thể tự mình chứng nghiệm”.
Dhammo là pháp, là cái thực mà Đức Phật giác ngộ và khai thị, thuyết giảng có những yếu tính như:
– Sandiṭṭhiko: (ngữ căn sam là lập tức, toàn bộ hay toàn diện; động từ dis là thấy, là kiến) nghĩa là thấy ngay lập tức, thấy một cách toàn diện cái đang là, cái tại đây, cái thực tại hiện tiền. Tiếng Anh có mấy chữ tương đương: The Truth (chân lý), Reality (thực tại), What is being (cái đang là).Vậy pháp là cái thực, là chân lý, là thực tại hiện tiền, là cái đang là hay cái mà thiền gọi là “đương xứ tức chân”, hoặc cái “trực hạ tiện kiến”.
– Akāliko: phi thời gian hay không có thời gian (tâm lý). Nghĩa là pháp, cái thực, cái đang là, cái bây giờ, không phải cái đã là, hay cái sẽ là, cái không bị ảnh hưởng bởi thời gian (cái đã là, sẽ là, cái vọng… cũng là pháp nhưng không phải là pháp thực tại). Chúng ta lưu ý, pháp nào mà trải qua thời gian (tâm lý) thì đó không phải là pháp thực, không phải pháp mà Đức Thế Tôn khai thị. Ví dụ: tôi đang sân, cái sân ấy chính là pháp, là cái đang là, là thực tại hiện tiền. Quý vị đang sân đùng đùng, nhưng quý vị nghĩ là: “phải chi mình đừng sân” hoặc “ta phải đừng sân, ta sẽ không sân”. Cái phải chi, phải là, sẽ là ấy đã rơi vào thời gian, chỉ là tư tưởng, là ảo tưởng, không phải pháp , không có thực. Trừ chính tự thân ý nghĩ.
Tôi đang bất an mà tôi bảo: tôi sẽ tu để được đắc định, để được Niết-bàn. Cái ấy xin thưa, cũng thuộc về tương lai giả định nên không phải là pháp, vì nó trải qua ý niệm thời gian rồi. Chính cái “không định” cái “chưa Niết-bàn” hiện tại đây, mới là pháp, mới chính là cái thực. Có lạ lùng không? Xin quý vị lưu ý: ngày mai, ngày kia, tôi sẽ đạt…, tôi sẽ thành… đều là tiến trình thời gian, nhân quả, sanh diệt, khổ đau. Nó không phải pháp. Đó là cái vọng tưởng nghĩ ra, chứ không phải là trí tuệ thực thấy, không phải là pháp mà Đức Thế Tôn khai thị.
– Ehipassiko: Ehi là hãy đến hay hãy trở lại, hãy hồi đầu (động từ eti) và passiko là thấy (động từ passati). Đây là một mệnh lệnh, một mời gọi. Không phải ai mời cả mà chính là pháp mời. Pháp tự phơi mở công khai sẵn sàng mời đến để thấy chứ không bí mật gì cả. Đến không phải là bước tới, đi tới chỗ kia (chữ gam – gacchati mới là đi tới), mà có nghĩa là trở lại đây, trở về thực tại. Ví dụ: khi đang sân, và tôi liền nghĩ rằng: “tôi sẽ phải tu làm sao cho hết sân”. Vậy là tôi bị tư tưởng dẫn tới tương lai, quên mất thực tại. Hãy trở lại mà thấy, hãy quay về với cái sân đang là. Đó chính là yếu tính Ehipassiko. Dù cho nói rằng “chỉ cần cho tôi một giây sau thôi, tôi sẽ hết sân”. Một giây cũng là tương lai, không phải là pháp thực tại hiện tiền. Hãy trở lại đây hay hãy hồi đầu mà thấy chính cái sân ấy. Đừng thêm bớt gì cả. Đó là lý do tại sao Đức Phật nói: “Như Lai không bước tới (tương lai), không dừng lại (quá khứ) mà thoát khỏi bộc lưu. Vì bước tới thì bị cuốn trôi, dừng lại thì bị chìm đắm”.
....Khi đang sân, ngay lúc đó chỉ có cái sân là thực, chúng ta cần trọn vẹn thấy rõ cái sân đó với toàn bộ tính chất của nó. Ấy mới là kiến tánh, mới là cước căn điểm địa. Nó chính là định, là tuệ, chẳng có cái định, tuệ nào tối thượng hơn. Pháp sân vốn đã “nhậm trì tự tánh sân”để cho mình kiến tánh mà mình lại hướng ngoại cầu không sân. Nếu khi “không sân” thì ta xử sự ngay trên cái “không sân” ấy, đấy là kiến tánh, vì lúc đó pháp đang “nhậm trì tự tánh không sân”.
(Trích: "Thực tại hiện tiền" Pháp ( DHAMMA )
http://www.trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/ThucTaiHienTien1/ThucTaiHienTien01_06.htm#6
http://www.trungtamhotong.org/thuvien/index.php?module=mucluc&l_id=198
Pháp đang là...
Không cần biết Pháp từ đâu đã tới
Chỉ biết rằng Pháp hiện hữu trong ta
Ta đón Pháp như đón niềm vui mới
Như món quà Trời Đất gởi tặng ta.
Sống trong Pháp ta như quên tất cả
Quên ưu phiền, quên cả bản thân ta
Nhưng ta biết Tuệ Nhật luôn tỏa sáng
Pháp đến đi ngay khoảnh khắc đang là...
Như Tuệ